GIỚI THIỆU SÁCH NHÂN KỈ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QĐNDVN 22/12 VỚI CHỦ ĐỀ

Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã đi qua nhưng những dấu ấn mà nó để lại vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh những người anh hùng liệt sĩ sẵn sàng ngã xuống vì nền độc lập tự do vẫn còn đó, in sâu vào hồn thiêng sông núi, sống mãi với đất nước dân tộc.

Nhân đợt thi đua chào mừng kỉ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 – 22/12/2024. Chuyên mục: Mỗi Tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay Liên đội & Thư viện trường TH Nghĩa Hà, trân trọng giới thiệu tới các thầy cô giáo và các em học sinh cuốn sách “ Mãi mãi tuổi hai mươi” – Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc do nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm và biên soạn

Cuốn sách có kích thước 21cm gồm 295 trang, do NXB Thanh niên phát hành năm 2005.

Sau khi xuất bản, cuốn sách đã được  đông đảo độc giả khắp nơi trong nước háo hức đón nhận. Thủ tướng Phan Văn Khải tâm sự“ Tôi rất xúc động khi đọc nhật kí của hai liệt sĩ  Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc, hai con người, hai cuộc đời,  hai tấm lòng biết bao đẹp đẽ, giản dị và cao cả, tràn đầy chất anh hùng lãng mạng, có sức truyền cảm sâu xa đến phần trong sáng của con người, như lời tâm sự, lời nhắn nhủ, và cả lời thức tỉnh…”

Đúng vậy! Có thể coi những trang nhật kí “Chuyện đời” là một cuộc trải nghiệm thực tiễn vô cùng gian khổ nhiều hi sinh nhưng lại tràn đày say mê và hấp dẫn của một thanh niên trí thức Hà Nội trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỉ trước.

Ngay trên trang bìa là gương mặt tuấn tú với nụ cười tươi sáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Ảnh chụp lúc anh vừa đạt giải nhất, học sinh giỏi môn văn lớp 10 toàn miền Bắc.

Nguyễn Văn Thạc sinh ngày 14/10/1952 tại Hà Nội, anh học giỏi cả Văn và Toán và là sinh viên xuất sắc của khoa Toán cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Anh được ban tuyển sinh xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô nhưng đó cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go, ác liệt. Anh cũng như hàng ngàn sinh viên khác, tạm xếp bút nghiên khoác lên mình màu xanh áo lính theo tiếng gọi của Tổ quốc.

           Cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” được bắt đầu viết từ ngày 02/10/1971 (thời gian đầu của cuộc đời quân ngũ) và kết thúc ngày 24/5/1972 (trước khi hành quân vào tuyến lửa).

Khoảng khắc thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm, một lát cắt trong cuộc đời con người nhưng nó cho ta thấy thế giới tâm tư phong phú, thấy cả tâm hồn anh, con người anh và đằng sau đó là một thế hệ đẹp đẽ đã sống và ra đi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Anh viết: “Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ là từ 9/3/1971, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước” và anh khát khao: “Chóng tới gia đình lớn. Nơi ta gửi gắm thời thanh xuân của mình”. Xuyên suốt cuốn nhật ký là khát vọng được vào tuyến lửa, giáp mặt quân thù.

Lật từng trang sách, chúng ta sẽ gặp một tâm hồn, một cuộc đời thật đẹp hơn. Chúng ta sẽ được sống lại những tháng ngày bi tráng mà hào hùng của lịch sử dân tộc với chiến trường Quảng Trị, với dòng sông Thạch Hãn lịch sử - nơi mà bao liệt sỹ đã ngã xuống, đã gửi tuổi thanh xuân của mình cho sóng nước mênh mang. Như một nhà thơ đã viết:

                            “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

                             Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”

Đó là ngày 6/9/1971 anh lên đường nhập ngũ. Sau 28 ngày nhập ngũ, anh đã ghi những dòng nhật kí đầu tiên. Từ những dòng nhật kí đầu tiên đã theo bước chân anh lính binh nhì đi khắp đường trường và nó dày lên theo chặng đường hành quân, cho đến cuối tháng 5/1972, mặc dù phải đi xa, đeo nặng, nhưng trong hành trang của anh là cuốn nhật kí, tranh thủ lúc nghỉ, ngày nghỉ… Anh đã viết được 240 trang sổ tay. Anh đã ghi chép rất kĩ lưỡng những điều mắt thấy, tai nghe. Anh trải lòng mình qua những chân thật hồn nhiên, tinh tế. Những rung động trước những vùng đất anh qua, những con người anh gặp…

 

          Những dòng nhật kí ấy cho ta thấy một tâm hồn giàu rung cảm trước thiên nhiên tha thiết yêu quê hương đất nước. Những dòng văn đẹp lấp lánh như làm sáng bừng lên ý chí và nghị lực của  chàng trai Hà Nội, sáng bừng lên lí tưởng của cả một thế hệ đã hi sinh vì Tổ quốc thân yêu. Những dòng nhật kí đầy cảm xúc: “Chân bước trên rơm thơm, khó ai định liệu được mình còn ao ước cuộc sống nào hơn thế nữa"; "Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời mình cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng”.

Có rất nhiều chuyện vui nhưng cũng có cả chuyện buồn. Quan niệm của anh là “… Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả nhưng rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn, mất mát nhiều nhưng cố gắng luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng.”

Chúng ta còn bắt gặp ở đó, một tình yêu đôi lứa của chàng trai Hà Nội. Một tình yêu lí tưởng tiêu biểu cho thanh niên thời chiến tranh tàn khốc:

“Đêm chẳng bình yên mà yên lành thế

Quả bom lạnh lùng chúi theo dấu chân

Đường rất thơ là đường hành quân.

Bởi có em đường thành trẻ lại

Đường đánh giặc chẳng bao giờ dừng lại

Đến nơi nào anh cũng thấy em.”

Anh hẹn gặp chị và sẽ trả lời chính xác câu “ Hạnh phúc là gì?”. Lời hẹn tiên tri ấy của anh đã ngân một nốt trầm lắng trong lòng người con gái anh yêu, trong lòng những người cùng thế hệ và đọng lại hôm nay một niềm bi tráng.

Ngày 30/4/1975 đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, nhưng anh và bao đồng đội đã không có mặt trong ngày chiến thắng của dân tộc. Anh đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị khi mà tuổi đời chưa đầy 20 với “biết bao dự định còn dang dở”.

Đến với “Mãi mãi tuổi hai mươi” để  biết thêm một con người, một cuộc đời “…Ở một thời mà đến được với mọi thời”.  Các anh đã hy sinh cả thanh xuân, bỏ lại những hoài bão, ước mơ dang dở ..khát vọng cuộc đời chỉ còn biết gởi  vào thế hệ sau viết tiếp. Họ đã sống một  cuộc đời thật  dữ dội mãnh liệt cống hiến hết mình cho tổ quốc . Sống trong gian khổ chết trong đau đớn nhưng cao quí vô cùng.


1. Mãi mãi tuổi 20: Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc/ Đặng Vương Hưng sưu tầm giới thiệu.- Tái bản lần 1 có sửa chữa bổ xung.- H.: Thanh niên, 2005.- 318tr; 19cm.- (Nhật ký thời chiến Việt Nam)
     Chỉ số phân loại: KPL .MM 2005
     Số ĐKCB: TK.00903,

         Chúng ta thế hệ trẻ chúng ta hôm nay được sống trong một đất nước độc lập tự do, nền độc lập tự do được đánh đổi không ít máu xương của các thế hệ cha anh đi trước.  Vì vậy chúng ta phải biết quý trọng hơn cuộc sống mình đang có và hãy đóng góp phần mình viết tiếp những dòng mới, những dòng vui tươi của dân tộc như lời nhắn gửi mong ước của anh. Hai chữ HÒA BÌNH nguyện cầu được trường tồn mãi mãi.

        Nhật kí "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc sẽ là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá. Các bạn  hãy đến với Thư viện trường TH Nghĩa Hà tìm đọc cuốn nhật kí chiến trường quý giá này nhé.

Xin chào và hẹn gặp lại.